Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, chứng béo phì đã trở thành một căn bệnh phổ biến trên toàn cầu, với ít nhất 2,8 triệu người tử vong mỗi năm do thừa cân hoặc béo phì. Chứng béo phì từng gắn liền với các quốc gia có thu nhập cao, vậy mà hiện nay béo phì cũng phổ biến ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Chính phủ các nước, các đối tác quốc tế, xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và tư nhân đều có vai trò quan trọng trong việc góp phần phòng chống béo phì.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) hay còn được gọi là Chỉ số thể trọng – bằng cách lấy cân nặng tính bằng kilôgam chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét (kg / m2) – là chỉ số thường dùng để phân loại thừa cân, béo phì ở người lớn. WHO định nghĩa thừa cân là khi chỉ số BMI ≥ 25 và béo phì là khi chỉ số BMI ≥ 30.
Trong năm 2016, trên thế giới có hơn 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân và 650 triệu người mắc chứng béo phì. Ít nhất 2,8 triệu người tử vong mỗi năm do thừa cân hoặc béo phì. Tỷ lệ béo phì tăng gần gấp ba lần từ năm 1975 đến năm 2016. Từng gắn liền với các quốc gia có thu nhập cao, hiện nay chứng béo phì cũng phổ biến ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Béo phì ở trẻ em là một trong những thách thức sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21. Trẻ em thừa cân có khả năng trở thành người lớn béo phì và so với trẻ không thừa cân, chúng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch ở độ tuổi nhỏ hơn, do đó có nguy cơ tử vong và nguy cơ tàn tật sớm cao hơn.
Phần lớn dân số thế giới sống ở một quốc gia có số người thừa cân và béo phì nhiều hơn người thiếu cân. Tình trạng này bao gồm ở tất cả các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập trung bình. Bệnh tiểu đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ và một số bệnh ung thư được cho là do thừa cân và béo phì.
Việc hấp thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng mà không tăng cường các hoạt động thể chất tương đương sẽ dẫn đến tăng cân không lành mạnh. Mức độ hoạt động thể chất giảm cũng sẽ dẫn đến mất cân bằng năng lượng và dẫn đến tăng cân.
Sự phát triển kinh tế và xã hội cũng như các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, quy hoạch đô thị, môi trường, giáo dục, chế biến thực phẩm, phân phối và tiếp thị ảnh hưởng đến thói quen và sở thích ăn uống của trẻ em cũng như thói quen hoạt động thể chất của chúng. Càng ngày, những ảnh hưởng này càng thúc đẩy sự tăng cân không lành mạnh, dẫn đến tỷ lệ béo phì ở trẻ em ngày càng gia tăng.
Mọi người có thể:
1. Duy trì cân nặng hợp lý
2. Hạn chế tổng lượng chất béo hấp thụ và chuyển việc hấp thụ chất béo từ chất béo bão hòa sang chất béo không bão hòa
3. Tăng việc hấp thụ trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt
4. Hạn chế ăn đường và muối
Mọi người nên tham gia đủ mức độ hoạt động thể chất cần thiết. Ít nhất 150 phút hoạt động thể chất đều đặn với cường độ vừa phải mỗi tuần giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư ruột kết và ung thư vú. Tập luyện cơ bắp và tập thăng bằng có thể giảm té ngã và cải thiện khả năng vận động ở người lớn tuổi. Đối với một số người, có thể sẽ cần nhiều hoạt động hơn thế để kiểm soát cân nặng.
Kế hoạch hành động của WHO về Chiến lược toàn cầu phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm đã cung cấp một lộ trình để thiết lập và tăng cường các sáng kiến về giám sát, phòng ngừa và quản lý các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả bệnh béo phì.
(Nguồn: https://www.who.int)