Xem kết quả online
Xem kết quả online
  • English

Nhận biết các vấn đề về thị lực ở con trẻ

Nguồn: Getty Images

Trẻ sơ sinh bước vào thế giới với thị lực hầu như không rõ ràng và chỉ có sắc xám. Hệ thống thị giác phát triển theo thời gian và được hình thành đầy đủ vào giai đoạn thiếu niên của trẻ.

Nên kiểm tra mắt thường xuyên cho con trẻ để đảm bảo mắt của trẻ khỏe mạnh và không có vấn đề gì về thị lực gây ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường và thậm chí có khả năng ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ.

Kiểm tra mắt thường được bao gồm trong danh mục khám sức khỏe tổng quát của trẻ nhỏ để đảm bảo sự phát triển toàn diện.

Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Mắt trẻ em khuyến nghị lịch trình như sau:

  • Sơ sinh – 12 tháng

Các phòng khám nhi sẽ thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, bao gồm kiểm tra mắt và mi cũng như kiểm tra phản ứng của đồng tử và chuyển động mắt. Trong vài tháng đầu đời, trẻ sơ sinh có hai mắt không theo dõi được chuyển động là điều bình thường; nhưng điều này sẽ không tiếp diễn sau 4 tháng. Các phòng khám nhi có thể đưa ra khuyến nghị đưa trẻ sơ sinh đến khám chuyên khoa với bác sĩ nhãn khoa nếu trẻ sinh non, có dấu hiệu của bệnh về mắt hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh thị lực thời thơ ấu.

  • 12‒36 tháng

Tại giai đoạn này, các phòng khám nhi thực hiện kiểm tra bằng hình ảnh để tìm các vấn đề về sự tập trung có thể khiến con bạn nhìn không rõ bằng một hoặc cả hai mắt. Kiểm tra bằng hình ảnh cũng giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ gây ra nhược thị, hoặc mắt lười, là sự giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt, ngăn cản sự phát triển bình thường ở não bộ của hệ thống thị giác.

  • 36 tháng – 5 tuổi

Trong thời gian này, bác sĩ sẽ kiểm tra tầm nhìn và khả năng điều chỉnh mắt của con bạn. Con bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên nhãn khoa hoặc bác sĩ đo thị lực nếu quá trình kiểm tra cho thấy các dấu hiệu của mắt lệch hoặc lác, nhược thị, tật khúc xạ hoặc các vấn đề tập trung khác.

  • 5 tuổi trở lên

Từ 5 tuổi trở lên, con bạn sẽ được kiểm tra thị lực, hoặc độ sắc nét của tầm nhìn, và sự liên kết của mắt.

Kiểm tra thị lực tổng quát hay kiểm tra thị lực toàn diện?

Kiểm tra thị lực tổng quát bao gồm các xét nghiệm được thực hiện trên mỗi trẻ em, những xét nghiệm này giúp sớm phát hiện các vấn đề về tập trung và các vấn đề về mắt khác. Kiểm tra thị lực toàn diện giúp chẩn đoán bất kỳ bệnh mắt nào với độ đặc hiệu cao hơn. Cả tầm soát thị giác tổng quát và kiểm tra thị lực toàn diện đều có vai trò quan trọng trong việc xác định các vấn đề về mắt và duy trì thị lực tốt cho con trẻ.

Hãy để trẻ khám mắt toàn diện nếu:

  • Không vượt qua bài kiểm tra thị lực tổng quát.
  • Kiểm tra thị lực tổng quát không cho kết quả hoặc không thể hiện rõ.
  • Được khuyến cáo bởi phòng khám nhi hoặc y tá trường học.
  • Có những phàn nàn của con về thị lực hoặc quan sát thấy hành vi thị giác bất thường; hoặc có nguy cơ phát triển các vấn đề về mắt. Trẻ em mắc các bệnh lý, chẳng hạn như hội chứng Down, sinh non, viêm khớp vô căn vị thành niên, u xơ thần kinh có nguy cơ cao mắc các vấn đề về mắt. Trẻ em có tiền sử gia đình bị nhược thị, lác, u nguyên bào võng mạc, đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc bệnh tăng nhãn áp cũng nên được khám mắt toàn diện.
  • Có khuyết tật về học tập, chậm phát triển, tình trạng tâm thần bất ổn hoặc có các vấn đề về hành vi.

Làm thế nào bác sĩ nhãn khoa có thể nhận biết vấn đề về thị lực ở trẻ?

Bác sĩ sẽ sử dụng một nguồn sáng để kiểm tra phản ứng của đồng tử ở mắt trẻ. Tầm nhìn được đánh giá bằng mức độ trẻ có thể nhìn theo các đồ chơi và đồ vật nhỏ có ánh sáng. Đôi khi phòng khám sẽ sử dụng thẻ với các kích thước sọc khác nhau để xác định thị lực. Trẻ lớn hơn có thể chơi trò chơi kết hợp với các hình dạng hoặc hình ảnh trên biểu đồ mắt.

Sự liên kết của hai mắt sẽ được đánh giá để xem chúng có phối hợp tốt với nhau hay không. Các chức năng thị giác khác như tầm nhìn ngoại vi, nhận thức chiều sâu và tầm nhìn màu sắc cũng có thể được đánh giá. Bác sĩ nhãn khoa cũng sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra mắt kỹ lưỡng để xem xét tất cả các cấu trúc của mắt liên quan đến vấn đề về thị lực. Đồng tử của con bạn có thể được giãn ra bằng thuốc nhỏ mắt để đánh giá độ cận/ viễn/ loạn thị cho kính mắt. Điều này được thực hiện với sự trợ giúp của một ống soi đặc biệt chiếu ánh sáng vào mắt. Ánh sáng này được phản xạ từ võng mạc và giúp xác định số kính. Trẻ nhỏ có thể cần đeo kính phù hợp với tình trạng thị lực.

Sự giãn nở của đồng tử cũng cho phép bác sĩ kiểm tra phần sau của mắt, bao gồm dây thần kinh thị giác và võng mạc. Các xét nghiệm bổ sung có thể cần thiết, tùy thuộc vào các triệu chứng và tiền sử thị lực của các thành viên trong gia đình.

Những cuộc kiểm tra thị lực có thể kéo dài từ một đến hai giờ, đặc biệt nếu mắt cần nhỏ thuốc giãn nở, vì vậy hãy nhớ chuẩn bị sẵn bỉm và đồ ăn nhẹ cho trẻ. Đồng thời cung cấp kính đeo mắt trước đây của con bạn, nếu có, và tiền sử về mắt cũng như danh sách các câu hỏi của bạn dành cho bác sĩ.

Nguồn: https://mcpress.mayoclinic.org/