1.Định nghĩa
Virus viêm gan B (HBV-Hepatitis B virus) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý viêm gan virus trên thế giới. Ước tính có khoảng 2 tỉ người lây nhiễm HBV, trong đó hơn 350 triệu người trở thành mạn tính trên thế giới.
HBV lây truyền do tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể nhiễm HBV, 3 con đường chính gồm: quan hệ tình dục, từ mẹ sang con và tiêm chích không an toàn. Một số nguyên nhân ít gặp hơn gồm có truyền máu, lây nhiễm bệnh viện từ dụng cụ y tế bị nhiễm, ghép tạng từ người nhiễm HBV.
2. Xét nghiệm định lượng virus viêm gan B
Xét nghiệm định lượng HBV-DNA hay còn gọi là định lượng virus viêm gan B trong máu là một xét nghiệm nhằm xác định số lượng hay nồng độ của virus trong một đơn vị thể tích huyết tương/huyết thanh, sử dụng đơn vị IU/ml hoặc copy/ml (1IU tương ứng 5-6 copy), từ đó đánh giá mức độ nhân lên của virus trong các tế bào gan.
Nồng độ virus được coi là cao khi trên 10.000 IU/ml, mức độ trung bình từ 2000-10.000 IU/ml và mức độ thấp khi dưới 2000 IU/ml.
Kiểm tra theo dõi mức độ HBV-DNA trong máu theo tháng, theo năm là một điều kiện quan trọng để quản lý bệnh, giúp xác định thời điểm điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị cũng như đánh giá tiêu chuẩn dừng điều trị.
3. Thực hiện xét nghiệm HBV DNA trong trường hợp nào?
Đối với bệnh nhân đã được xác định Viêm gan B mạn tính, xét nghiệm HBV DNA là vô cùng quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong việc điều trị sự phát triển của virus trong tế bào gan.
Các trường hợp cần thực hiện xét nghiệm như:
– Người được chẩn đoán viêm gan B
– Các trường hợp mà kết quả xét nghiệm thấy có suy giảm chức năng hoặc tổn thương tế bào gan.
Theo dõi trong và sau quá trình điều trị.
Xét nghiệm HBV DNA được thực hiện định kỳ sẽ giúp theo dõi nồng độ virus. Sau mỗi 3 – 6 tháng cần thực hiện xét nghiệm HBV DNA, đồng thời thực hiện các xét nghiệm khác như định lượng men gan AST, ALT, xác định HBeAg, Anti-HBe để đánh giá đáp ứng điều trị cũng như đánh giá tái phát sau khi ngưng quá trình điều trị.