Màn hình công nghệ đã và đang là công cụ giúp ích trong đại dịch COVID-19. Chúng giúp bạn bè xung quanh và các thành viên trong gia đình giữ kết nối hàng ngày và giúp các nhân viên có thể làm việc từ xa tại nhà.
Nhưng giờ đây, vắc-xin phòng ngừa COVID-19 đang dần dần cho phép mọi người quay trở lại nhịp sống thường ngày, gặp gỡ và đi làm, thì việc tránh xa màn hình công nghệ khi bạn có thể là một điều tốt.
Tiến sĩ Mysoon Ayuob, một bác sĩ gia đình thuộc Mayo Clinic, nêu rõ 5 lý do tại sao giảm thiểu thời gian sử dụng màn hình công nghệ lại tốt cho sức khỏe của bạn.
Bạn biết rằng các hoạt động thể chất rất tốt cho sức khỏe của bạn, nhưng các thiết bị điện tử có thể làm giảm thời gian tập luyện thể dục. Việc duy trì thói quen sống lành mạnh có thể gặp trở ngại khi bạn dành nhiều thời gian sử dụng màn hình công nghệ.
Việc tránh xa màn hình công nghệ có thể giúp ích cho sức khỏe thể chất của bạn, cụ thể là:
– Giúp ngăn ngừa béo phì và các tình trạng liên quan đến trọng lượng dư thừa, chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim
– Bạn có nhiều thời gian hơn để tập thể dục và giao lưu cộng đồng
– Giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn
– Giúp cắt giảm tình trạng ăn vặt và ăn uống vô độ, điều này có thể xảy ra khi bạn ăn trong lúc xem TV và sử dụng các màn hình công nghệ khác.
Khám phá và học hỏi thế giới xung quanh là một phần quan trọng của cuộc sống. Thay vì dành thời gian cho các thiết bị điện tử, hãy khuyến khích bản thân và gia đình thử các hoạt động mới. Đi xe đạp hoặc đi bộ, đi công viên, khám phá viện bảo tàng hoặc khám phá những góc phố đẹp gần nhà.
Các hoạt động không sử dụng đến thiết bị điện tử cũng có thể thú vị như những gì bạn xem qua màn hình máy tính. Hãy thử tô màu (điều này cũng rất tốt cho sức khỏe của người trưởng thành), đọc sách, làm đồ thủ công hoặc các hoạt động khác sử dụng trí tưởng tượng của bạn. Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử cho phép bạn có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động vui chơi và sáng tạo.
Hãy xem xét lại điều này: Khi bạn đang mải sử dụng thiết bị công nghệ nào đó, bạn đang mất đi cơ hội cho một điều khác. Điều khác đó có quan trọng đối với bạn không? Cơ hội đánh mất đó có thể là thời gian dành cho một đứa trẻ, một người bạn hoặc một người quan trọng khác.
Khi cha mẹ và ông bà đang xem TV, máy tính hoặc điện thoại, trẻ nhỏ có thể cảm thấy chúng cần phải có hành động để gây sự chú ý với người lớn. Bằng cách đặt thiết bị của bạn xuống, trẻ nhỏ sẽ cảm thấy cha mẹ và ông bà của bé luôn dành tình cảm và sự quan tâm tới bé, điều này giúp gắn kết tình cảm gia đình hơn.
Đặt điện thoại xuống và đi ra ngoài trời hoặc thực hiện một hoạt động mà bạn yêu thích có thể giúp cải thiện tâm trạng. Chúng có thể giúp cho bạn cảm thấy bản thân có ích hơn và cải thiện mức độ hạnh phúc của bạn. Trầm cảm và lo âu có thể khiến một người thu mình lại và tự cô lập mình với những người khác. Tham gia vào các hoạt động xã hội giúp bạn kết nối với những người khác và cải thiện các triệu chứng của những bệnh lý này.
Trở thành một phần của cộng đồng xung quanh bạn và cảm thấy được kết nối với những người khác có lợi cho sức khỏe của bạn.
Hãy tham khảo những cách sau đây để kết nối với mọi người:
– Các gia đình dùng bữa cùng nhau có xu hướng sống lành mạnh hơn. Tắt các thiết bị điện tử trong bữa ăn hoặc khi đang thời gian dành cho gia đình để loại bỏ những sự phân tâm.
– Thử tìm các sự kiện trong cộng đồng nơi bạn sống. Thay vì sử dụng thời gian cho các thiết bị điện tử thì hãy sử dụng thời gian đó cho các hoạt động tình nguyện, có thể là tham gia vào một đội thể thao hoặc kết nối thời gian với một nhóm tinh thần.
– Cảm giác thân thuộc và hòa nhập với xã hội là một cách tốt để giải tỏa căng thẳng. Có sự hỗ trợ từ người khác và cảm giác rằng bạn không đơn độc có thể giúp bạn đương đầu với những thời điểm khó khăn.
Mặc dù công nghệ là một công cụ tuyệt vời nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn và khiến bạn cảm thấy mất kết nối với những người xung quanh. Tạm ngưng sử dụng thiết bị điện tử giúp bạn có thêm thời gian để hoạt động và tận hưởng thời gian bên những người thân yêu. Tại sao bạn không thử xem sao?
(Nguồn: mcpress.mayoclinic.org)