Ung thư bàng quang ở nữ giới, nguyên nhân và cách chẩn đoán bệnh

Ngày đăng: 11/01/2022

Ung thư bàng quang là một bệnh lý xảy ra phổ biến với nam giới. Số ca mắc mới cho thấy tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 3 lần so với ở nữ giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phụ nữ có thể thờ ơ với căn bệnh này.

Trong mục giải đáp câu hỏi của một chương trình phát thanh Mayo Clinic gần đây, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu Mark D. Tyson II, M.D., M.P.H., nói rằng: “Mặc dù nam giới thường được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang phổ biến hơn, nhưng phụ nữ thường chỉ được phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn bệnh nặng và việc điều trị cho họ trở nên khó khăn hơn nhiều so với nam giới.”

Một lý do giải thích cho sự khác biệt này có thể là bởi vì ở phụ nữ, các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư bàng quang rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác hoặc cho rằng đó là biểu hiện của những bệnh lý ít nghiêm trọng. Một trong số các dấu hiệu điển hình dễ nhầm lẫn đó là chứng tiểu ra máu. Có nhiều lý do dẫn đến chứng tiểu ra máu ở phụ nữ, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu và ra máu sau mãn kinh. Phụ nữ bị chảy máu có thể chỉ cho rằng họ đang chảy máu vì một trong những lý do vô hại này và dễ dàng bỏ qua nó.

Tuy nhiên, việc bỏ qua các triệu chứng nghiêm trọng có thể gây ra sự chậm trễ trong quá trình khám và chẩn đoán bệnh. Nếu như nguyên nhân của việc tiểu ra máu lại là ung thư bàng quang, bệnh có thể đã trở nặng vào thời điểm chẩn đoán ra bệnh.

Không chỉ phụ nữ có tỷ lệ sống sót thấp hơn nam giới mà một số phụ nữ da màu có tỷ lệ sống sót kém hơn phụ nữ da trắng. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm của phụ nữ da đen bị ung thư bàng quang là 53%, thấp nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc nào, trong khi tỉ lệ này đạt 74% ở phụ nữ da trắng. Phụ nữ gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 69%.

Tiến sĩ Tyson nói: “Chúng tôi biết rằng có một vài sự chênh lệch về chủng tộc và sắc tộc. Những người gốc Tây Ban Nha kém hơn những người không phải gốc Tây Ban Nha về khả năng sinh tồn. Đàn ông và phụ nữ Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong cao hơn, đặc biệt là nhóm người bệnh ở giai đoạn cuối.”

Trước những kết quả này, Tiến sĩ Tyson nhấn mạnh rằng triệu chứng tiểu ra máu ( máu trong nước tiểu có thể nhìn thấy bằng mắt thường) cần được chú ý tới. Tin tốt là máu có thể nhìn thấy vẫn có thể vô hại và màu đỏ nhìn thấy trong nước tiểu có thể không phải là máu.

Nguyên nhân lành tính của tiểu ra máu

Một số loại thuốc và một số loại thực phẩm, chẳng hạn như quả mọng, đại hoàng và củ cải đường,… có thể khiến nước tiểu có màu đỏ. Các tế bào hồng cầu có thể làm cho nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc màu nâu đỏ.

Dưới đây là một số các nguyên nhân khác gây tiểu ra máu ngoài ung thư bàng quang:

  • Tập thể dục mạnh
  • Hành kinh
  • Hoạt động quan hệ tình dục
  • Nhiễm trùng thận
  • Sỏi thận hoặc các bệnh lý khác về thận
  • Tổn thương thận
  • Thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm

Nguyên nhân gốc rễ của chứng tiểu ra máu

Nếu nước tiểu của bạn có màu đỏ, hồng hoặc màu giống như nước ngọt coca-cola, hãy tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Trước tiên, các bác sĩ sẽ xem xét chế độ ăn uống, thuốc men và tiền sử bệnh của bạn. Sau đó, bạn có thể khám phụ khoa để kiểm tra âm đạo của mình để tìm ra các vấn đề có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu âm đạo.

Xét nghiệm đầu tiên bạn có thể phải làm đó là dùng que thăm dò nước tiểu để tìm hồng cầu. Việc kiểm tra này có thể phải lặp lại nhiều lần nếu bạn đang trong thời gian kinh nguyệt. Đó là do máu kinh nguyệt trong mẫu nước tiểu của bạn có thể cho kết quả dương tính giả. Để kiểm tra sức khỏe thận, bạn có thể phải làm xét nghiệm máu.

Nếu kết quả que thử nước tiểu của bạn là dương tính thực sự, nước tiểu của bạn sẽ được gửi đi xét nghiệm chuyên sâu. Trong quá trình phân tích nước tiểu, kỹ thuật viên sẽ tìm kiếm các loại tế bào khác nhau báo hiệu vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.

Bác sĩ có thể sẽ nội soi bàng quang của bạn nếu có máu trong nước tiểu và bạn đang gặp vấn đề với thận hoặc có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến thận hay đường tiết niệu của mình. Trong quy trình đó, một ống nhỏ có gắn camera sẽ được đưa vào niệu đạo và đưa lên bàng quang.

Các kiểm tra này là cần thiết khi bạn tiểu ra máu bởi hiện nay vẫn chưa có một phương pháp xét nghiệm sàng lọc cụ thể nào để phát hiện ung thư bàng quang. Phân tích nước tiểu không được sử dụng như là phương pháp kiểm tra sàng lọc vì rất nhiều người bị tiểu ra máu vì những lý do khác ngoài ung thư bàng quang. Tiến sĩ Tyson cho biết, có một số biểu hiện sinh học về nước tiểu hứa hẹn là một cách để tầm soát ung thư bàng quang, nhưng chúng vẫn chưa được phê chuẩn.

Bài viết liên quan