Số báo phát hành tháng 8 của Mayo Clinic Health đã thảo luận về các loại tim đập nhanh khác nhau, đây cũng là lý do phổ biến nhất mà mọi người thường đi khám tại bệnh viện liên quan đến các vấn đề về tim. Trong hầu hết các trường hợp, tim đập nhanh không phải đang báo hiệu một vấn đề lớn từ cơ thể. Nhưng đôi khi cũng có, và các chuyên gia y tế có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của chúng.
Tình trạng có 1 giai đoạn tim đập nhanh thường không xảy ra ngay trong lúc bạn đang đi khám. Thay vào đó, các nguyên nhân tiềm ẩn có thể được phát hiện ra từ tiền sử bệnh lý, từ những lần khám sức khỏe và từ những thông tin bạn mô tả cho bác sĩ về chứng tim đập nhanh của bạn cũng như bất kỳ triệu chứng nào khác có thể đi kèm. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn dùng ngón tay gõ mô tả lại tốc độ tim đập nhanh như thế nào. Thường thì không thể tìm ra ngay nguyên nhân khiến tim bạn đập nhanh. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
– Các phản ứng cảm xúc quá mạnh, như khi căng thẳng, lo lắng hoặc gặp các cơn hoảng sợ
– Chứng trầm cảm
– Khi tập thể dục quá sức
– Uống rượu, bia và đang cai rượu
– Sử dụng chất kích thích, bao gồm Caffeine, Nicotine, Cocaine, Amphetamine, thuốc cảm và ho có chứa Pseudoephedrine và một số loại thuốc hen suyễn dạng hít
– Khi bị sốt
– Thay đổi hormone liên quan đến kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh
– Quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp
Các kiểm tra ban đầu thường bao gồm xét nghiệm máu để sàng lọc các tình trạng cơ bản và kiểm tra điện tâm đồ (ECG) – đo hoạt động điện tim. Điện tâm đồ có thể không ghi lại được giai đoạn tim đập nhanh, nhưng chúng có thể giúp ích trong việc xác định các vấn đề về tim, chẳng hạn như xu hướng tiềm ẩn của nhịp tim không đều (loạn nhịp tim) mà bạn không thể cảm nhận được.
Để ghi lại hoạt động của tim, bạn có thể được yêu cầu đeo một thiết bị ECG di động – được gọi là Máy đo điện tim Holter – trong một ngày hoặc hơn, thậm chí lên đến một tháng, trong khi bạn thực hiện các hoạt động thường ngày của mình. Nếu tình trạng tim đập nhanh của bạn thường xuyên hơn, có thể sử dụng máy ghi biến cố tim đặt dưới da trong vài tuần và có thể tự kích hoạt khi bạn cảm thấy các triệu chứng. Máy ghi này có thể được tua lại để hiển thị các điểm đánh dấu chính về nhịp tim của bạn theo giây và phút thời điểm tim đập nhanh. Các kiểm tra khác, chẳng hạn như chụp X-quang ngực hoặc siêu âm tim, có thể được thực hiện để xem kích thước, cấu trúc và chức năng của các buồng tim và van tim của bạn.
Tim đập nhanh có thể vô hại và ngoài sự trấn an ra thì có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là dấu hiệu của các chứng rối loạn nhịp tim khác nguy hiểm hơn. Bạn nên đến khám lại với bác sĩ của bạn nếu tình trạng tim đập nhanh trở nên thường xuyên hơn, đáng chú ý hơn hoặc gây ra sự khó chịu. Bạn có thể sẽ được yêu cầu phải sử dụng thuốc hoặc thủ thuật để điều trị những nhịp tim bất thường này. Nếu tim đập nhanh xuất phát từ một bệnh cụ thể – chẳng hạn như tuyến giáp hoạt động quá mức (bệnh cường giáp) – thì khi điều trị bệnh lý đó có thể khắc phục chứng tim đập nhanh liên quan.
(Nguồn: mcpress.mayoclinic.org)