Chất thải từ các thiết bị điện và các thiết bị điện tử (gọi chung là chất thải điện tử) là loại chất thải sinh hoạt đang tăng lên nhanh nhất hiện nay trên thế giới. Vấn đề nghiêm trọng nhất là ở những nơi trong thành phố mà người nghèo làm việc hoặc sinh sống gần các bãi rác hoặc nơi tập kết rác thải không chính thức. Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, các địa điểm chất chứa rác thải này thiếu sự giám sát của chính phủ và phải nhận một phần lớn rác thải điện tử từ khắp các nơi trên thế giới. Chất thải điện tử chứa các vật liệu có giá trị, chẳng hạn như vàng và đồng. Chất thải điện tử có thể gây hại tới sức khỏe của con người và môi trường nếu chúng không được xử lý, tái chế hợp lý hoặc tái chế trong điều kiện chưa qua đào tạo, bảo vệ, cơ sở hạ tầng, thiết bị hoặc biện pháp bảo vệ đầy đủ. Trẻ em là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn hại bởi một số chất độc hại chứa trong chất thải điện tử hoặc chất được tạo ra bởi rác thải điện tử và từ các hoạt động tái chế chất thải điện tử.
Bắt đầu từ năm 2013, Sáng kiến của WHO (Tổ chức y tế thế giới) về Chất thải điện tử và Sức khỏe Trẻ em được phát hành với mục đích tăng cường truyền bá nhận thức sâu sắc hơn về tác hại của chất thải điện tử tới sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em; nâng cao năng lực ngành y tế; thúc đẩy việc giám sát chất thải điện tử; tạo điều kiện cho các nghiên cứu có liên quan; phát triển và thử nghiệm các sáng kiến thí điểm ở cấp quốc gia nhằm giảm thiểu rủi ro sức khỏe liên quan đến chất thải điện tử. Vào tháng 6 năm 2021, WHO đã công bố bản báo cáo về “Trẻ em và chất thải kỹ thuật số: chất thải điện tử và sức khỏe trẻ em”. Đây là báo cáo đầu tiên nêu chi tiết về phạm vi ảnh hưởng của chất thải điện tử đối với sức khỏe trẻ em.
Trên toàn cầu, hơn 18 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 17 tuổi đang tham gia vào các ngành công nghiệp mà xử lý chất thải là một ngành trong số đó. Công việc tái chế chất thải điện tử sử dụng nguồn lao động trẻ em đang là nguy cơ lớn gây bất lợi cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em. Thậm chí có những trường hợp báo cáo rằng trẻ em dưới 5 tuổi đang phải làm việc trong lĩnh vực phân loại, tháo dỡ và tái chế chất thải điện tử.
Sử dụng các ước tính gần đây nhất về tổng số công nhân xử lý chất thải không chính thức trên toàn thế giới, có từ 2,9 đến 12,9 triệu phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có thể gặp rủi ro do tiếp xúc với chất thải điện tử độc hại, khiến bản thân và những đứa con chưa sinh của họ gặp nguy hiểm.
Giám sát chất thải điện tử toàn cầu 2020 ước tính rằng có 53,6 triệu tấn chất thải điện tử được thải ra trong năm 2019. Trong số này chỉ có 9,3 triệu tấn đến được các cơ sở quản lý hoặc tái chế chất thải chính thức. Một lượng đáng kể chất thải điện tử còn lại được cho là đã được vận chuyển ra nước ngoài đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi thiếu hoặc không có các quy định nghiêm ngặt về xử lý chất thải. Tại đây, chất thải điện tử được tháo dỡ, tái chế, giữ lại hoặc loại bỏ, thường là trong môi trường trái phép bằng cách sử dụng các phương pháp và hoạt động độc hại. Chất thải điện tử chứa các vật liệu có giá trị, bao gồm đồng, vàng, bạc và coban, đang ngày càng trở thành nguồn thu nhập phổ biến tại các quốc gia này.
Các hoạt động xử lý chất thải điện tử không đúng cách đã và đang được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Các hoạt động bao gồm tháo dỡ thủ công, thiêu đốt ngoài trời, đun nóng chảy, ngâm axit và vứt bỏ các đồ điện tử tại các bãi rác ngoài trời. Các phương pháp xử lý chất thải điện tử này có thể gây ô nhiễm không khí, bụi, đất, nước, làm nhiễm độc thực phẩm và các loài động vật. Những vết đen trên mặt đất sau khi chất thải điện tử bị đốt cháy sẽ làm chì ngấm vào và gây ô nhiễm đất. Tiếp xúc với chì, ngay cả ở mức độ thấp, cũng gây nguy hiểm cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em. Trên khắp thế giới, các địa điểm xử lý chất thải điện tử rất đa dạng về quy mô và đặc điểm.
Các hoạt động xử lý chất thải điện tử không đúng cách có thể thải ra môi trường khoảng 1.000 chất độc hại, bao gồm chì, thủy ngân, niken, chất chống cháy brom hóa và hydrocacbon thơm đa vòng. Ở một số quốc gia, chất thải điện tử được xử lý bằng cách đốt trong lò gạch. Lò gạch tạo ra một lượng ô nhiễm không khí đáng kể, có khả năng bị ô nhiễm bởi kim loại nặng và các chất độc hại khác, có thể gây ra rủi ro rất lớn cho công nhân lò nung và cư dân ở khu vực lân cận. Ở một số quốc gia Mỹ Latinh, việc xử lý chất thải điện tử còn bị phân tán hơn, chủ yếu ở quy mô nhỏ như trong nhà dân, ở sân sau và rải rác trong các khu vực cộng đồng và thường được tái chế cùng với chất thải đô thị, khiến việc xử lý chất thải điện tử trái phép càng khó bị phát hiện và kiểm soát hơn. Những hoạt động này thường xảy ra ở các khu vực có nền kinh tế, đời sống xã hội thấp, nơi họ thiếu nhận thức hơn về sức khỏe và khó được tiếp cận với các hệ thống chăm sóc y tế.
Trẻ em dễ bị tổn hại hơn so với người lớn khi tiếp xúc với các chất độc hại thải ra từ chất thải điện tử, đó là do cơ thể chúng nhỏ hơn, các cơ quan chưa phát triển hoàn thiện, trong khi tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh. Việc tiếp xúc với các hoạt động xử lý chất thải điện tử không đúng cách từ trước khi sinh và trong thời kỳ còn nhỏ tuổi có liên quan đến nhiều tác động xấu đến sức khỏe như kết quả sinh nở không tốt, trẻ bị suy giảm phát triển thần kinh, thay đổi chức năng phổi và ảnh hưởng đến hô hấp, tổn thương DNA, suy giảm chức năng tuyến giáp và tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính sau này trong cuộc sống, nhiều tác động trong số đó có thể không rõ ràng biểu hiện ra ngoài ngay lập tức.
Khai thác các tài nguyên từ chất thải điện tử bằng công nghệ khai thác an toàn giúp giảm thiểu rủi ro sức khỏe và cũng tạo ra ít carbon dioxide hơn đáng kể so với khai thác cùng loại vật liệu từ tự nhiên, mang lại lợi ích cho môi trường và giảm khí thải – mục tiêu mà nhiều quốc gia cam kết thực hiện. Giám sát chất thải điện tử toàn cầu 2020 phát hiện ra rằng 9,3 triệu tấn chất thải điện tử được tái chế đúng cách trong năm 2019 đã giảm thiểu được 15 triệu tấn carbon dioxide tương đương thải ra môi trường. Bức ảnh dưới đây chụp một thùng rác tái chế công cộng ở Úc, nơi các loại rác thải điện tử khác nhau có thể được phân loại và tái chế một cách an toàn.
Rất nhiều công ước quốc tế và khu vực được lập ra nhằm mục đích hạn chế các lô hàng chất thải điện tử bất hợp pháp từ các quốc gia có thu nhập cao sang các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Chúng bao gồm Công ước Basel, Công ước Bamako và Công ước Waigani.
Cộng đồng y tế có thể hành động để giảm thiểu các tác động xấu từ chất thải điện tử đến sức khỏe con người bằng cách nâng cao năng lực ngành y tế để chẩn đoán, giám sát và ngăn ngừa phơi nhiễm chất độc ở trẻ em và phụ nữ, nâng cao nhận thức về những lợi ích tiềm năng của việc xử lý chất thải điện tử có trách nhiệm hơn, chủ động hơn trong việc thu thập dữ liệu cho các nghiên cứu về những rủi ro sức khỏe mà những người trực tiếp xử lý chất thải điện tử sai cách sẽ phải đối mặt. Các chuyên gia y tế giữ những vị trí đặc biệt vì họ có thể vận động các chính sách quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ sức khỏe con người khỏi chất thải điện tử. Đồng thời, họ là nguồn thông tin đáng tin cậy và có thể đóng vai trò quan trọng ở từng địa phương bằng cách làm việc thông qua các dịch vụ thăm khám sức khỏe ban đầu hoặc bằng cách làm việc trực tiếp với các những vùng mà người dân chịu ảnh hưởng từ chất thải điện tử hoặc những người dân tham gia vào hoạt động xử lý chất thải điện tử không đúng cách.
Ngoài việc thực hiện các mục tiêu của Sáng kiến của WHO về Chất thải điện tử và Sức khỏe Trẻ em, WHO đang làm việc với các tổ chức quốc tế, các cơ quan khác của Liên hợp quốc, với tư cách là thành viên của Liên minh Chất thải Điện tử và mạng lưới các trung tâm hợp tác toàn cầu để biên soạn nghiên cứu và xây dựng kỹ năng của các chuyên gia y tế bằng cách sử dụng gói đào tạo của WHO về sức khỏe môi trường của trẻ em, bao gồm một mô-đun về chất thải điện tử và một khóa học trực tuyến quy mô lớn tập trung vào chất thải điện tử. WHO cũng đang làm việc ở cấp khu vực và địa phương, phối hợp với các văn phòng khu vực và nhiều cộng đồng địa phương, chính phủ và các cơ quan của Liên hợp quốc ở Khu vực Châu Mỹ và Khu vực Châu Phi về các dự án thí điểm nhằm phát triển các khuôn khổ bảo vệ sức khỏe trẻ em khỏi chất thải điện tử và có thể được điều chỉnh và nhân rộng ở các quốc gia khác.
(Nguồn: https://www.who.int)