Phần lớn mọi người sẽ bị các mắc bệnh có nguyên nhân từ thực phẩm vào một thời điểm nào đó trong đời. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đảm bảo thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày không bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút, độc tố và các loại hóa chất có thể gây hại.
Thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình sản xuất, phân phối và chế biến. Tất cả mọi người trong chuỗi sản xuất, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, đều có trách nhiệm đảm bảo thực phẩm chúng ta ăn không gây bệnh.
Mỗi năm, cứ 10 người thì có 1 người đổ bệnh do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, và kết quả là 420.000 người tử vong mỗi năm. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ đặc biệt cao, với khoảng 125.000 trẻ nhỏ tử vong vì các bệnh do thực phẩm gây ra mỗi năm. Sản xuất và chế biến thực phẩm đúng cách có thể ngăn ngừa hầu hết các bệnh lây nhiễm từ thực phẩm.
Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh do thực phẩm gây ra là đau dạ dày, nôn mửa và tiêu chảy. Thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng hoặc nhiễm độc tố từ tự nhiên cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài bao gồm ung thư và rối loạn thần kinh.
Ngộ độc do thực phẩm bị ô nhiễm có tác động mạnh hơn nhiều tới những người có tình trạng sức khỏe yếu kém và có nguy cơ cao dẫn đến mắc bệnh trầm trọng hơn và thậm chí là tử vong. Đối với trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người ốm và người già, hậu quả của ngộ độc thực phẩm thường nặng nề hơn và có thể gây tử vong.
Nguồn cung cấp thực phẩm ngày nay rất phức tạp và bao gồm nhiều công đoạn khác nhau, từ sản xuất tại nông trại, giết mổ hoặc thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối trước khi thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Toàn cầu hóa sản xuất và kinh doanh thực phẩm đang làm cho chuỗi cung ứng thực phẩm dài hơn và làm phức tạp hơn việc điều tra khi có dịch bệnh bùng phát do thực phẩm và khó khăn hơn khi thu hồi sản phẩm trong trường hợp khẩn cấp.
Để nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm, rất nhiều các chuyên gia khác nhau đang làm việc cùng nhau, sử dụng khoa học và công nghệ tốt nhất hiện có. Các bộ và cơ quan chính phủ khác nhau, bao gồm y tế công cộng, nông nghiệp, giáo dục và thương mại, rất cần hợp tác cùng nhau, trao đổi thảo luận với nhau và phối hợp thực hiện với tất cả mọi nhóm người, bao gồm cả đối tượng người tiêu dùng.
Ô nhiễm thực phẩm có những ảnh hưởng sâu rộng hơn ngoài những hậu quả trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng – nó làm suy yếu hoạt động xuất khẩu thực phẩm, du lịch, sinh kế của những người chế biến thực phẩm và phát triển kinh tế, cả ở các nước phát triển và đang phát triển.
Khả năng kháng lại thuốc kháng khuẩn là mối bận tâm gần đây về sức khỏe toàn cầu. Việc lạm dụng thuốc kháng khuẩn trong nông nghiệp và chăn nuôi, ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe con người, nhưng lại là một trong những yếu tố dẫn đến sự xuất hiện và lan rộng của tình trạng kháng thuốc kháng khuẩn. Vi khuẩn kháng thuốc ở động vật có nguy cơ lây truyền sang con người qua đường thực phẩm.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm chung của tất cả các chính phủ, ngành công nghiệp, nhà sản xuất, các nhà nghiên cứu và người tiêu dùng. Mọi người đều đóng những vai trò quan trọng. Để đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm là một nỗ lực đa ngành, đòi hỏi chuyên môn từ nhiều lĩnh vực khác nhau – ngành độc chất học, ngành về vi sinh vật, ký sinh trùng, dinh dưỡng, kinh tế sức khỏe, con người và thú y. Cộng đồng địa phương, các hội phụ nữ và giáo dục trường học cũng đóng một vai trò quan trọng.
Mọi người nên có hiểu biết và lựa chọn thực phẩm sáng suốt cũng như áp dụng các phương pháp bảo quản, chế biến phù hợp và đảm bảo. Họ cần được biết về các mối nguy hại phổ biến gây ra từ thực phẩm và cách xử lý thực phẩm an toàn ngay trong những thông tin được cung cấp trên nhãn thực phẩm.
(Nguồn: https://www.who.int)