Cách giúp trẻ đối mặt với những cú sốc tinh thần

Ngày đăng: 17/01/2022

Khi con bạn phải chứng kiến một tai nạn hay bi kịch lớn, bạn có thể giúp con mình nhận thức được chuyện gì đã xảy ra, cảm thấy an toàn và điều khiển cảm xúc của mình bằng cách thực hiện các bước sau. Khoan đã, hãy nhớ rằng nếu con bạn không biết hoặc chưa từng nghe điều gì về sự việc đó thì không phải lúc nào bạn cũng cần phải nói cho chúng biết.

Bàn luận về vấn đề đã xảy ra

Có thể thật khó để diễn tả hết sự bàng hoàng, ám ảnh mà một sự việc nào đó để lại trong bạn ngay cả khi bạn đã trưởng thành. Nhưng việc thành thật kể lại cho con bạn nghe có thể giúp chúng biết cách tiếp nhận và đối phó với những thông tin, lời nói từ bên ngoài liên quan tới sự việc đó. Bạn cũng có thể bắt đầu cuộc trò chuyện với con bằng cách hỏi và trao đổi để nắm được con bạn đã biết những gì về sự kiện này, hay những câu hỏi, mối quan tâm mà trẻ có thể đang nghĩ tới. Hãy biết cách dẫn dắt câu chuyện của bạn với con từ chính những câu trả lời của chúng. Hãy là một người biết lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của con trẻ.

Khi nói chuyện, hãy nói sự thật và giữ bình tĩnh. Bạn hãy tập trung vào những điều cơ bản, cung cấp cho con bạn những thông tin chính xác, phù hợp với lứa tuổi. Chia sẻ suy nghĩ của riêng bạn và nhắc nhở con của bạn rằng bạn luôn ở cạnh để bảo vệ chúng. Hãy trấn an con bạn rằng điều đã xảy ra không phải lỗi của chúng.

Việc trẻ không muốn nói về những sự kiện đau buồn là điều hoàn toàn dễ hiểu và đừng cố ép chúng phải nói ra vì điều đó sẽ vô cùng áp lực. Hãy để chúng tự mình đối diện và giải quyết sự việc theo cách riêng. Tuy nhiên bạn vẫn cần phải chú ý tới những dấu hiệu về cảm xúc, tâm trạng tiêu cực của con mình.

Nếu con bạn thường xuyên rơi vào tâm trạng lo lắng, buồn bã hoặc khó tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, bạn cần xem xét đến việc nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.

Tạo cảm giác an toàn và thoải mái 

Độ tuổi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ tiếp nhận và xử lý thông tin về một sự kiện mang tính chất tiêu cực nghiêm trọng nào đó.

Trẻ ở độ tuổi mầm non có thể trở nên sợ sệt bám mẹ hoặc bắt chước cảm xúc của bạn. Một số trẻ cũng có thể có biểu hiện tè dầm ra quần hoặc mút ngón tay. Nếu thấy tình trạng này, bạn không nên vội mắng mỏ, chỉ trích chúng. Để nói chuyện với trẻ mẫu giáo về một sự kiện tiêu cực nào đó, hãy cúi thấp xuống ngang tầm mắt của trẻ để nói chuyện với chúng. Bạn hãy nói với một giọng bình tĩnh và nhẹ nhàng, dùng những từ ngữ mà con bạn có thể hiểu được để giải thích những gì đã xảy ra và điều đó sẽ có thể ảnh hưởng đến con bạn như thế nào. Một điều vô cùng quan trọng là bạn nên nói ra cho con bạn biết những gì bạn đang cố gắng thực hiện để đảm bảo sự an toàn cho chúng, và cũng đừng quên trao cho chúng những cái ôm ấm áp.

Trẻ em trong độ tuổi đi học có thể sợ đến trường, khó chú ý trong lớp hoặc vô cớ tức giận. Chúng cũng có thể thường mơ ác mộng hoặc gặp các vấn đề khác về giấc ngủ. Trong trương trường hợp này, bạn có thể cân nhắc bật đèn khi con bạn ngủ hoặc để chúng ngủ trong phòng của bạn trong thời gian ngắn. Những cử chỉ ôm ấp âu yếm cũng có thể phát huy tác dụng. Khi nói chuyện với trẻ ở độ tuổi đi học, hãy giúp trẻ nhận thức và tách biệt viễn tưởng ra khỏi thực tế để đảm bảo chúng được an toàn.

Giúp con bạn mạnh mẽ vượt qua

Bất kể con bạn ở độ tuổi nào, bạn có thể giúp con giải quyết các vấn đề bằng cách thực hiện những việc sau:

  • Hạn chế để con bạn tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đưa tin về sự việc đó
  • Duy trì thói quen của con bạn
  • Khuyến khích con bạn bộc lộ những suy nghĩ, cảm giác của chúng
  • Làm điều gì đó để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện đó

Việc cảm thấy buồn, sợ hãi và hoảng loạn sau một thảm kịch là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu con bạn tiếp tục rơi vào trạng thái sợ hãi trong hơn hai đến bốn tuần hoặc nếu con bạn đã từng trải qua chấn thương trước đó, thì trẻ có thể cần được trợ giúp nhiều hơn để đối phó. Nói chuyện với chuyên gia tâm lý của con bạn về những điều bạn lo lắng hoặc nếu nghiêm trọng, bạn có thể cần tới sự trợ giúp của chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Nguồn: https://mcpress.mayoclinic.org/

Bài viết liên quan